Hướng dẫn cách sử dụng và đọc kết quả đo của thước kẹp Mitutoyo

Đăng bởi: Tinh HàDanh mục: Tin kỹ thuật

Trong bài viết này, Tinh Hà sẽ hướng dẫn các bạn cách lựa chọn và sử dụng thước kẹp, cũng như cách đọc thước kẹp cơ khí, thước kẹp đồng hồ sao cho chính xác nhất. Tất cả đều có hình minh họa và chỉ dẫn chi tiết, dễ hiểu.

Cách sử dụng thước kẹp

Cấu tạo đơn giản của thước kẹp cũng cho phép người dùng dễ dàng sử dụng thước kẹp để đo lường. Trong phần này, Tinh Hà sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng thước kẹp một cách chi tiết để giúp bạn có thể sử dụng được ngay trong lần đầu tiên.

1. Lựa chọn thước kẹp phù hợp mục đích đo

  • Theo kích thước của vật thể cần đo

Kích thước dự kiến của vị trí cần đo trên vật thể sẽ giúp bạn xác định dải đo phù hợp trên thước kẹp. Bạn không thể sử dụng một thước kẹp 200mm để đo một vật thể có kích thước khoảng 350mm, cũng như không nên dùng một thước đo 600mm để đo một vật thể chỉ dài khoảng 15mm. Do vậy, bước đầu tiên là lựa chọn một thước kẹp có dải đo phù hợp với kích thước cần kiểm tra. Một thước kẹp có dải đo lớn hơn một chút so với kích thước cần đo là phù hợp nhất để đảm bảo các thao tác đo và kết quả đo.

  • Theo dung sai yêu cầu trong thiết kế

Bất cứ một kích thước nào cũng sẽ yêu cầu một sai số nhất định, nó có thể là ±0.2mm hay ±0.02mm. Bởi vậy, bạn cần lựa chọn thước kẹp có độ chính xác phù hợp với sai số cho phép. Chẳng hạn như dung sai ±0.02mm thì thước kẹp có độ chính xác 0.1mm chắc chắn sẽ không thể xác định được chi tiết đến 2 chữ số phần thập phân của kết quả đo. Do vậy, sau dải đo phù hợp thì độ phân giải, độ chính xác của thước kẹp cũng là một tiêu chuẩn để lựa chọn.

  • Theo vị trí và hình dạng của vật thể cần đo

Thông thường thì thước kẹp được sử dụng phổ biến nhất cho đo kích thước bên ngoài vật thể, nhưng nó cũng được dùng để đo trong và đo sâu, hay đo bước. Dựa theo vị trí cần đo trên vật thể, bạn cần lựa chọn loại thước kẹp có đầu đo phù hợp. Đồng thời hình dạng của vật thể cũng sẽ xác định loại đầu đo của thước kẹp. Có những thước kẹp có mỏ đo được thiết kế đặc biệt để đo những vị trí nằm sâu trong hốc, đo độ dày của đường ống hay đo khoảng cách giữa các lỗ với nhau. Do vậy, bạn cũng cần lưu ý điều này.

  • Theo yêu cầu thực tế công việc

Một số công việc yêu cầu phải sử dụng thước kẹp điện tử để đảm bảo độ chính xác của phép đo và có thể sử dụng những bộ truyền dẫn không dây như U-wave để truyền dữ liệu đo nhanh chóng về máy tính. Điều này giúp đảm bảo độ tin cậy trong các phép đo. Nhưng cũng có những công việc chỉ cần sử dụng thước kẹp du xích hay thước kẹp đồng hồ. Cũng có những môi trường nhiều bụi hoặc dầu, nước thì cần dùng loại thước kẹp có khả năng chống bụi, chống dầu, chống nước tốt để đảm bảo thước kẹp được hoạt động ổn định, chính xác và lâu bền.

2. Kiểm tra thước kẹp trước khi đo

kiểm tra độ chính xác của thước kẹp trước khi đo
Kiểm tra độ chính xác của thước kẹp bằng căn mẫu. Ảnh Mitutoyo
  • Trước khi thực hiện quá trình đo trên vật thể, nhất định phải kiểm tra thước cặp xem ngoại quan có vấn đề gì không, cũng như thước kẹp có thể hiện chính xác kết quả đo hay không.
  • Đầu tiên, xem các mỏ đo có bị cong, vênh, mòn, sứt mẻ hay không, nếu có thì tuyệt đối không sử dụng vì sẽ làm ảnh hưởng đến độ chính xác của kích thước. Ngoài ra xem thước có di chuyển mượt mà không, nếu thấy thân thước trượt qua lại khó khăn hay có cảm giác bị vướng, cần kiểm tra lại để bảo hành hoặc sửa chữa. Đồng thời kiểm tra điểm 0 trên thước có chính xác hay chưa, nếu không đạt cần điều chỉnh lại.
  • Tiếp theo nếu ngoại quan thước kẹp không có vấn đề gì và điểm 0 đã chính xác thì vệ sinh sạch thước kẹp rồi sử dụng các mẫu chuẩn như khối căn mẫu, dưỡng chuẩn (master ring, master plug) hay các vật mẫu tương tự để kiểm tra xem kết quả đo của thước có đạt chính xác hay chưa.
  • Khi tất cả những điều trên đều đạt thì vệ sinh lại thước kẹp một lần nữa trước khi tiến hành đo trực tiếp trên mẫu vật cần đo.

3. Cách đo bằng thước kẹp

Cách đo ngoài bằng thước kẹp

Cách đo ngoài bằng thước kẹp
Minh họa cách đo ngoài bằng thước kẹp. Ảnh Mitutoyo
  • Mở rộng hai mỏ đo ngoài của thước kẹp để khoảng cách giữa chúng lớn hơn kích thước cần đo một chút, chú ý xem thước có đang siết vít kẹp trước đó không, nếu có thì nới lỏng vít kẹp.
  • Đưa hai mỏ đo ngoài vào vị trí cần đo trên vật thể, chú ý áp đầu đo cố định vào bề mặt vật thể, sau đó di chuyển dần mỏ đo di động tiếp xúc nhẹ nhàng vào phần bề mặt còn lại. Chú ý lực ép vừa phải, tránh quá mạnh gây ảnh hưởng đến bề mặt cần đo và lệch hàm đo sẽ gây sai số kết quả đo.
  • Khi hai mỏ đo đã áp sát vào bề mặt cần đo, đọc kết quả trên thước. Nếu muốn lấy thước ra khỏi vị trí cần đo phải kẹp chặt vít hãm rồi mới lấy thước ra. Tuy nhiên hạn chế điều này mà nên đọc luôn kết quả đo khi thước còn kẹp trên vật thể.

Cách đo trong bằng thước kẹp

Các đo trong bằng thước kẹp.
Minh họa cách đo trong bằng thước kẹp. Ảnh Mitutoyo
  • Sử dụng mỏ đo trong để đo kích thước bên trong vật thể. Trước hết thu gọn khoảng cách giữa 2 mỏ đo trong sao cho nhỏ hơn kích thước cần phải đo kiểm.
  • Đưa hai mỏ đo trong vào vị trí cần đo, kéo thanh trượt sao cho hai mỏ đo áp sát vào hai vị trí cần đo kích thước trên bề mặt vật thể. Chú ý giữ thước thẳng và hai đầu đo tiếp xúc nhiều nhất với vị trí cần đo, tránh xô lệch hai đầu đo của thước.
  • Sau khi hai mỏ đo đã áp sát vào bề mặt cần đo, đọc kết quả trên thước kẹp. Nếu muốn bỏ ra rồi mới đọc kết quả thì cũng phải vặn chặt vít kẹp, nhưng cũng nên hạn chế.

Cách đo độ sâu bằng thước kẹp

Cách đo độ sâu bằng thước kẹp
Minh họa cách đo độ sâu bằng thước kẹp. Ảnh Mitutoyo
  • Trước hết đảm bảo vật thể cần đo phải nằm chắc chắn trên một mặt phẳng, tốt nhất nên sử dụng bàn map để đặt vật thể cần đo.
  • Tiếp theo đưa thanh đo sâu vào gần vị trí cần đo, điều chỉnh sao cho thanh đo sâu vuông góc với mặt đáy cần đo và phần mặt đo sâu ở phần đuôi thước kẹp áp sát với phần đỉnh của vị trí cần đo sâu. Di chuyển con trượt để thanh đo sâu chạm vào bề mặt đáy của phần cần đo.
  • Đọc kết quả trực tiếp trên thước hoặc khóa vít lại để cố định thanh đo độ sâu rồi lấy thước ra và đọc kết quả đo. Trong thực tế, có loại thước đo sâu dành riêng cho mục đích đo độ sâu trên chi tiết, các bạn có thể tham khảo.

Cách đo bước bằng thước kẹp

Đo bước bằng thước kẹp
Minh họa đo bước bằng thước kẹp. Ảnh Mitutoyo
  • Thước kẹp cũng có thể được dùng để đo bước bằng cách sử dụng hai mặt đo bước so le nhau trên thước. Đưa một mặt đo bước áp sát bề mặt cần đo trên mẫu vật, trượt thước để đưa mặt đo khác của thước tiến dần áp vào bề mặt cần đo còn lại.
  • Đọc kết quả đo trên thước khi hai mặt đo bước của thước đã ép sát chặt vào hai mặt đo bước trên vật thể. Bạn có thể xem hình trên để hiểu rõ hơn về cách đo bước. Đồng thời lưu ý không sử dụng thanh đo sâu để đo bước.

Hướng dẫn cách đọc thước kẹp

Trước khi đọc số đo trên thước, cần lưu ý đơn vị đo (thường là mm hoặc inch) được in trên phần thước chính. Đối với thước kẹp hệ mét, trên thước chính khoảng cách giữa các vạch liền nhau biểu thị cho 1mm. Phần thước chính thể hiện phần nguyên của kết quả đo.

Đồng thời cũng phải xem độ chính xác của thước là bao nhiêu, trị số biểu thị độ chính xác được in trên phần thước phụ (phần du xích), mỗi hai vạch liền nhau trên thước phụ biểu thị cho độ chính xác; ví dụ độ chính xác là 0.05 thì mỗi vạch trên thước phụ tương ứng 0.05mm. Tương tự với thước kẹp đồng hồ thì mỗi vạch trên mặt đồng hồ cũng biểu thị cho độ chính xác của thước kẹp đó. Phần thước phụ biểu thị phần thập phân của kết quả đo.

Cụ thể hơn về cách đọc kết quả đo trên thước kẹp cơ khí (thước kẹp du xích) và thước kẹp đồng hồ, các bạn hãy xem hướng dẫn trực quan dưới đây.

Cách đọc kết quả đo trên thước kẹp cơ khí (thước kẹp du xích)

Cách đọc thước kẹp cơ khí
Minh họa cách đọc kết quả đo thước kẹp cơ khí. Ảnh Mitutoyo
  • Để đọc kết quả của thước kẹp du xích, các bạn chú ý vào hai vị trí sau:
    • Vị trí (1) là vị trí của vạch điểm 0 trên thước phụ xem có trùng với vạch nào trên thước chính hoặc gần nhất với vạch nào trên thước chính về phía bên trái (của vạch 0 trên thước phụ) hay không. Vị trí vạch này trên thước chính biểu thị phần nguyên của kết quả.
    • Vị trí (2) là xem trên thước phụ có vạch nào trùng với một vạch chia bất kỳ nào trên thước chính không, thì vạch trùng đó của thước phụ biểu thị phần thập phân của kết quả.
  • Tổng hai trị số trên ta được kết quả đo của thước kẹp du xích.

Chẳng hạn như trong hình trên (thước kẹp hệ mét có độ chính xác là 0.05mm):

  • Vạch 0 của thước phụ gần nhất với vạch 16mm của thước chính ⇒ Phần nguyên của kết quả là 16mm.
  • Tiếp đó ta thấy vạch thứ 4 trên thước phụ (độ chính xác của thước là 0.05) ⇒ Phần thập phân của kết quả là 0.15mm
  • Tổng 16 + 0.15 = 16.15mm là kết quả đo của thước kẹp trong trường hợp trên.

Trường hợp nếu vạch 0 của thước phụ trùng với một vạch nào đó trên thước chính thì đó là kết quả đo của thước kẹp cơ khí luôn (ở trường hợp này phần thập phân bằng 0). Chẳng hạn nếu như hình trên vạch 0 trùng với vạch 16mm của thước chính thì ta có kết quả là 16mm, không cần tính phần thập phân.

Cách đọc kết quả đo trên thước kẹp đồng hồ

Cách đọc kết quả đo trên thước kẹp đồng hồ
Minh họa cách đọc kết quả trên thước kẹp đồng hồ. Ảnh Mitutoyo
  • Để đọc kết quả đo của thước kẹp đồng hồ, chúng ta cần chú ý vào hai vị trí sau:
    • Vị trí (1) xem mép của khung trượt đồng hồ trùng với vạch nào hoặc gần nhất với vạch nào (về phía bên trái của khung trượt) trên thước chính thì đó là phần nguyên của kết quả đo.
    • Ví trí (2) xem trên mặt đồng hồ xem kim chỉ vào vạch bao nhiêu của mặt đồng hồ, tùy vào độ chính xác mà tính ra phần thập phân của kết quả.
  • Tổng hai chỉ số trên ta được kết quả đo của thước kẹp đồng hồ.

Chẳng hạn như trong hình minh họa phía trên (thước kẹp đồng hồ hệ mét, độ chính xác 0.01mm) chúng ta có:

  • Mép khung trượt gần nhất với vạch chỉ 16mm trên thước chính ⇒ Phần nguyên của kết quả đo là 16mm.
  • Trên đồng hồ, kim chỉ vào vạch 13 của thước, với độ chính xác 0.01mm ⇒ Phần thập phân của kết quả đo là 0.13mm
  • Tổng 16 + 0.13 = 16.13mm là kết quả đo của thước kẹp đồng hồ trong trường hợp này.

Đối với trường hợp mép khung trượt trên thước kẹp đồng hồ trùng với vạch nào đó trên thước chính thì đó sẽ là kết quả của phép đo mà không có phần thập phân, trong trường hợp này thì kim trên đồng hồ sẽ chỉ vào vạch số 0. Ví dụ như trong hình phía dưới, mép khung trượt chỉ vào vạch 20mm trên thước chính, kim đồng hồ chỉ số 0 và kết quả ta đọc được là 20mm.

cách đọc thước kẹp đồng hồ

Để có thể đọc kết quả đo một cách nhanh chóng, đỡ phải tính toán, dễ nhìn và hạn chế những sai số do người dùng thì chúng tôi khuyên các bạn nên lựa chọn sử dụng thước kẹp điện tử.

Cách bảo quản thước kẹp

Để giữ được độ bền và đặc biệt là độ chính xác và tin cậy của các thước cặp, các bạn cần bảo dưỡng chúng theo những lưu ý sau:

  • Tuyệt đối không dùng thước kẹp để đo vật thể đang quay.
  • Không dùng thước kẹp đo các bề mặt thô, bẩn.
  • Không ép mạnh hai mỏ đo của thước vào nhau và vào vật thể cần đo.
  • Trong quá trình đo cần dùng thước kẹp cẩn thận, nhẹ nhàng, tuyệt đối không ném, vứt thước kẹp.
  • Hạn chế việc lấy thước ra khỏi vật đo rồi mới đọc trị số.
  • Không để các dụng cụ khác hoặc vật thể khác đè lên thước cặp.
  • Luôn vệ sinh, lau chùi thước kẹp bằng khăn lau chuyên dụng.
  • Khi cất giữ cần đặt thước vào đúng vị trí trong hộp, cất giữ ở nơi khô thoáng, tránh ẩm thấp.

Trên đây là cách sử dụng, cách đọc và cách bảo quản thước kẹp. Nếu các bạn có nhu cầu mua thước kẹp, vui lòng bấm xem các loại thước kẹp Mitutoyo tại đây. Công ty Tinh Hà chúng tôi là đại lý ủy quyền của hãng Mitutoyo tại Việt Nam nên đảm bảo các thước kẹp chúng tôi bán ra đều chính hãng và có chất lượng cao, mang đến cho các bạn sự yên tâm khi sử dụng thước kẹp.