Lựa chọn panme như thế nào để phù hợp cho công việc

Đăng bởi: Tinh HàDanh mục: Tin tức

Lựa chọn panme như thế nào để phù hợp cho công việc

Thước panme là một trong những dụng cụ đo cầm tay mang đến độ chính xác cao và đáp ứng cho nhiều ứng dụng đo lường khác nhau. Từ những người thợ cơ khí cho đến những chuyên gia đều luôn có ít nhất một chiếc panme để sử dụng. Dù đơn giản, nhỏ gọn nhưng độ chính xác của panme có thể lên tới 0.0001 mm.

Panme có nhiều loại với những thiết kế khác nhau, lựa chọn được thước panme phù hợp cho mục đích sử dụng của bạn phụ thuộc chủ yếu vào ba yếu tố: hình dạng và kích thước bộ phận, chi tiết bạn sẽ đo, độ chính xác mà công việc của bạn yêu cầu và môi trường bạn sẽ làm việc.

Nhiều panme trang bị màn hình kỹ thuật số hoặc đồng hồ kim cho phép dễ đọc trị số hơn các panme cơ khí có vạch chia trên thân thước. Các thước panme điện tử với ký tự lớn đặc biệt hữu ích khi phải sử dụng chúng trong những không gian chật hẹp, mà người sử dụng khó có thể nhìn rõ chỉ số với các panme cơ khí.

Dựa theo chi tiết phải đo

Tùy thuộc vào vật thể cần đo mà lựa chọn loại thước panme phù hợp. Có ba loại phổ biến là panme đo ngoài, panme đo trongpanme đo sâu

Để đo độ dày của chi tiết, một  panme đo ngoài là cần thiết. Thước panme đo ngoài có thiết kế gần giống như một cái kẹp – một trục quay di động đi kèm với một mỏ đo cố định để đo độ dày hoặc đường kính bên ngoài của một chi tiết.

Panme đo trong được sử dụng để đo kích thước bên trong của lỗ, đường ống hoặc rãnh với các chấu đo có thể mở rộng và thu ngắn lại. Các panme đo trong được giữ sao cho thân thước song song với bề mặt của lỗ để đo đường kính lỗ với các điểm tiếp xúc trên chấu đo. 

Panme đo sâu dùng để đo độ sâu của các lỗ, rãnh. Chúng có một đế rộng sẽ nằm trên đỉnh của lỗ, rãnh và có đầu đo có thể kéo dài xuống phía dưới vào sâu trong lỗ, rãnh. 

Ngoài ra còn có thước panme không bao gồm khung và mỏ đo cố định được sử dụng để gắn vào các dụng cụ, thiết bị hoặc đồ dùng hỗ trợ khác. Chẳng hạn chúng có thể được gắn vào bàn làm việc và được sử dụng như một thiết bị hiệu chỉnh chiều cao.

Chọn theo kiểu đầu của mỏ đo

Cấu tạo của thước panme
Cấu tạo của thước panme

Thước panme đo ngoài thường được thiết kế với nhiều dạng mỏ đo và đầu do di động để thực hiện các kiểu đo khác nhau tùy thuộc vào chi tiết, sản phẩm cần đo.

Mỏ đo phẳng: Đây là loại mỏ đo thông dụng nhất, được sử dụng phổ biến nhất, đáp ứng cho những nhu cầu đo lường cơ bản. Một bề mặt nhỏ, phẳng trên đầu của mỏ đo cố định và đầu đo di động, thường được bọc carbide để chống mài mòn, cho phép tiếp xúc chắc chắn với bề mặt chi tiết cần đo. Loại thước panme có mỏ đo phẳng phổ thông này là một dụng cụ đo đa năng đáp ứng rất tốt các phép đo độ dày tại một điểm cụ thể trên chi tiết mà không lo bị hỏng hay bị trượt. 

Mỏ đo ren vít: Loại panme này có mỏ đo và đầu đo di động được thiết kế với hình dạng đặc biệt, thường là một đầu nhọn và một đầu kiểu chữ V hoặc một số dạng đặc biệt khác để phù hợp với dạng ren của ren vít, cho phép nó đo các kích thước đường kính của ren vít.

Mỏ đo dạng bi tròn: Loại panme này cho phép đo trên các vật thể tròn, thiết kế đầu bi giúp tạo điểm tiếp xúc chính xác để có độ chính xác phép đo cao hơn.

Mỏ đo dạng đĩa tròn: Đối với các vật liệu mềm hoặc dẻo, đầu đo dạng đĩa tròn rộng có thể tiếp xúc chắc chắn mà không để lại dấu hoặc nén bộ phận được đo, do đó đảm bảo được độ chính xác. Ngoài ra thì loại panme này cũng cho phép đo khoảng cách thẳng giữa các chân ren của bánh răng.

Mỏ đo dạng mỏng dẹt: Thiết kế này cho phép panme có thể đo được chiều dài của những khe, rãnh mỏng nằm trên chi tiết, mỏ đo dạng mỏng dẹt giúp chúng dễ dàng đi vào các khe, rãnh hẹp.

Mỏ đo có thể thay thế: Để đáp ứng cho đa dạng các ứng dụng đo lường khác nhau trong thực tế với chỉ duy nhất một thước panme được sử dụng, những mỏ đo cố định và đầu đo di động có thể thay thế được bằng những hình dạng khác nhau cho phép biến thành một  panme vạn năng.

Ngoài ra còn nhiều kiểu mỏ đo khác nhau trên panme đáp ứng cho những nhu cầu đo lường cụ thể khác. Các bạn có thể xem thêm chúng tại đây.

Phạm vi đo và độ chia phù hợp

Sử dụng căn mẫu với thước panme đo ngoài
Sử dụng căn mẫu với thước panme đo ngoài. Ảnh techmaster

Phạm vi đo hay kích thước có thể đo được của panme là rất quan trọng, nó sẽ quyết định bạn có đo được kích thước của một chi tiết nào đó hay không?

Hầu hết các thước panme hoạt động trong phạm vi 1 inch hoặc 25 mm. Ví dụ một panme đo ngoài thông dụng sẽ đo độ dày từ 25 đến 50mm, hay từ 1 đến 2 inch. Thiết kế khung dầm và hai đầu đo của nó không cho phép đo những vật thể dày hơn 50mm hoặc nhỏ hơn 25mm. Vì vậy, bạn sẽ cần chọn một panme có phạm vi phù hợp với độ dày của chi tiết, vật thể mà bạn sẽ đo. Và điều quan trọng là phạm vi của thước sẽ gần với những kích thước mà bạn sẽ thường xuyên phải đo. Bởi nếu như phạm vi của thước lớn hơn nhiều kích thước cần đo thì bạn sẽ phải điều chỉnh các đầu đo của panme với một khoảng cách lớn, gây mất thời gian và bất tiện cho công việc, cũng như có thể ảnh hưởng tới độ chính xác bởi thao tác của người dùng.

Các panme đo ngoài cũng cung cấp nhiều độ sâu của khung để có thể đo kích thước tại những điểm nằm sâu bên trong một vật thể có bề mặt rộng, chẳng hạn như những chi tiết có dạng tấm. Hầu hết các panme đo ngoài đều có chiều sâu của khung trong khoảng 1 inch đến một vài inch, nghĩa là bạn chỉ có thể thực hiện các phép đo cách mép ngoài của vật thể cần đo từ 1 inch (hoặc một vài inch). Nếu bạn cần thực hiện các phép đo tại những điểm bên trong vật thể cách xa mép ngoài (như bên trong một tấm bản rộng) thì bạn cần một thước panme có phần khung được thiết kế với độ sâu lớn. Chẳng hạn như loại panme trong hình phía dưới. Bạn có thể bấm xem tại đây.

Lựa chọn panme như thế nào để phù hợp cho công việc

Tiếp theo là độ chia (hay độ phân giải, độ chính xác ) của thước cho thấy nó có thể đo kích thước chính xác đến mức nào. Hầu hết các panme đo đến 0.001 mm hay 0.0001 inch, một đơn vị phổ biến cho dung sai gia công kim loại. Những thước panme được thiết kế chuyên dụng có thể thực hiện các phép đo tốt hơn, có thể lên tới 0.0001 mm. Những thước panme có độ chính xác cao rất quan trọng đối với những công việc yêu cầu khắt khe về dung sai kích thước, chẳng hạn như cơ khí chính xác, hàng không, thiết bị y tế. Để xác minh độ chính xác của panme thì bạn có thể sử dụng các khối căn mẫu (hoặc vòng chuẩn đối với panme đo trong). Các khối căn mẫu này được sản xuất chính xác theo chiều dài đã định, có thể xác minh nhanh chóng rằng panme của bạn đã được hiệu chuẩn.

» Xem thêm: Dòng panme điện tử Mitutoyo có độ phân giải lên tới 0.1μm

Tất nhiên, không phải lĩnh vực nào cũng cần độ chính xác cao như vậy. Đối với những công việc như chế biến gỗ, xây dựng, nhôm kính, cơ khí dân dụng có thể chỉ cần một thước panme có độ chia tới 0.01 mm hoặc thậm chí nhỏ hơn. Độ chính xác của thước panme cũng sẽ ảnh hưởng tới giá thành của nó, do vậy tùy theo yêu cầu của công việc mà bạn nên lựa chọn độ chia của panme hợp lý.

Ảnh hưởng của môi trường làm việc

Và một vấn đề cũng rất quan trọng nhưng không phải ai cũng để ý đến, đó chính là panme phải có khả năng chịu được môi trường mà nó làm việc. Thước panme điện tử có thể bị hỏng do bụi và dầu làm mát bắn tóe trên các máy gia công CNC. Các thước panme điện tử sẽ được đánh dấu mã bảo vệ chống xâm nhập từ các tác nhân bên ngoài (IP) gồm hai chữ số, in trên vỏ bảo vệ.

Chữ số đầu tiên của xếp hạng IP là về khả năng chống bụi – một panme có xếp hạng chống bụi là 5 nghĩa là không hoàn toàn kín với bụi, nhưng nó vẫn có thể hoạt động trong môi trường nhiều bụi, tất nhiên là không được khuyến nghị. Hầu hết các panme đều có xếp hạng chống bụi là 6, nghĩa là chúng hoàn toàn kín với bụi. Chữ số thứ hai của mã IP là khả năng bảo vệ thước khỏi nước. Panme được xếp hạng chống nước là 4 có khả năng chống tia nước, trong khi mức 7 có nghĩa là dụng cụ đo có thể ngâm trong nước tại độ sâu tới 1 mét trong vòng 30 phút mà không bị hỏng.

Các mỏ đo cố định và đầu đo di động cũng có thể bị hỏng do sử dụng, nó có thể bị mài mòn, xước hoặc vỡ. Những panme có đầu đo bọc carbide cứng có thể chống mài mòn tốt, tránh làm hỏng các bề mặt đo.

Một số lưu ý khác

Cơ cấu chống quá lực đo trên panme

Áp lực tác dụng lên trục quay của panme có thể ảnh hưởng đến phép đo của bạn, đặc biệt là đối với những vật liệu dẻo hoặc dễ uốn. Để giải quyết biến dạng có thể xảy ra trên bề mặt vật liệu do áp lực đo này, khiến kích thước đo được bị sai lệch, hầu hết các panme đều được trang bị cơ cấu bánh cóc (Ratcheting) hoặc thanh ma sát (Friction Thimble), tự động giới hạn độ chặt của đầu đo đến một giá trị mô-men xoắn đã cố định sẵn. Điều này giúp người sử dụng thước panme có thể tác động một lực đo không đổi cho mọi phép đo, đảm bảo tính nhất quán. Hai cơ cấu trên đặc biệt quan trọng nếu thước panme của bạn sẽ được sử dụng bởi nhiều người trong suốt cả ngày.

Màn hình điện tử và khả năng kết nối dữ liệu

Một panme điện tử có khả năng kết nối với máy tính để xuất dữ liệu trực tiếp trên các phần mềm bảng tính sẽ giúp người sử dụng làm việc nhanh hơn và thực hiện các phép đo một cách đáng tin cậy hơn. Nếu bạn đang phải thực hiện nhiều phép đo, kết nối không dây hoặc qua các cáp kết nối có thể liên kết thước panme với máy tính hoặc một màn hình hiển thị. Điều này không chỉ cho phép dễ dàng lưu trữ, so sánh và tính toán các kết quả đo mà nó cũng giúp đơn giản hóa việc kiểm soát, quản lý chất lượng sản phẩm. 

Trên đây là những hướng dẫn về cách lựa chọn thước panme để đáp ứng tốt nhất cho công việc. Tất nhiên, những thông tin phía trên là không thể hoàn toàn đáp ứng được tất cả những yêu cầu về việc lựa chọn thước panme của bạn. Nhưng hy vọng rằng nó sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong việc chọn mua thước panme nói riêng hay những dụng cụ đo nói chung khác. Bạn cũng có thể liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ về những dụng cụ, thiết bị đo lường cơ khí. 

Công ty Tinh Hà là đại lý ủy quyền của hãng Mitutoyo tại Việt Nam, chúng tôi có đa dạng các loại dụng cụ, thiết bị đo lường phục vụ cho ngành cơ khí chính xác. Các bạn hãy tham khảo thêm tại website tinhha.com.vn này của chúng tôi.

» Bấm xem tất cả các thiết bị đo Mitutoyo