Downtime trong sản xuất là gì? Giải pháp khắc phục downtime

Đăng bởi: Tinh HàDanh mục: Tin kỹ thuậtThời gian: 16/09/2024

Downtime trong sản xuất là gì?

Downtime trong sản xuất là gì

Downtime hay thời gian ngừng hoạt động trong sản xuất đề cập đến bất kỳ khoảng thời gian nào mà khi quy trình sản xuất của một công ty dừng lại. Thời gian ngừng sản xuất có thể được lên kế hoạch và khi đó có lợi, ngược lại nếu thời gian ngừng hoạt động không được lên kế hoạch được coi là không cần thiết và có thể gây nhiều hậu quả xấu. 

Thông thường khi nói đến thời gian ngừng sản xuất không theo kế hoạch – unplanned downtime – chúng ta thường gọi chúng là thời gian chết bởi đây là khoảng thời gian gây ra nhiều tiêu cực, có thể dẫn đến mất doanh thu, giao hàng trễ hoặc khách hàng không hài lòng.

Đối với thời gian ngừng sản xuất theo kế hoạch sẽ luôn được biết trước, đó có thể là thời gian đổi ca, đổi công cụ, bảo trì bảo dưỡng thường xuyên hay kiểm tra thiết bị. Đối với downtime có kế hoạch này, việc cần làm là liên tục cải thiện tối ưu hóa quy trình nhằm rút ngắn thời gian và tăng hiệu quả công việc.

Nguyên nhân gây ra downtime không theo kế hoạch

Downtime trong sản xuất là gì? Giải pháp khắc phục downtime

Thời gian ngừng sản xuất không theo kế hoạch là rất khó để đoán trước thời điểm nó xảy ra và thường gây ra nhiều lãng phí, tốn kém. Thời gian chết trong sản xuất thường xảy ra bất ngờ, 80% tổng thời gian ngừng hoạt động ngoài kế hoạch là do hỏng hóc thiết bị. Các nguyên nhân khác gây ra downtime không theo kế hoạch bao gồm:

  • Bảo trì thiết bị không đầy đủ
  • Máy móc đã quá cũ
  • Hỏng hóc thiết bị
  • Quy trình sản xuất lỗi thời
  • Thiếu sự nhất quán, đồng bộ trong quy trình sản xuất
  • Thiếu sự kết nối giao tiếp giữa các bộ phận
  • Lỗi của con người
  • Kế hoạch sản xuất kém
  • Thiếu hụt chậm trễ nguồn cung 
  • Thiếu hụt lao động
  • Vấn đề hàng tồn kho
  • Tai nạn lao động
  • Mất điện do yếu tố khách quan
  • Do thiên tai, bão lũ

Chi phí thời gian ngừng sản xuất không theo kế hoạch

Chi phí của thời gian dừng sản xuất không theo kế hoạch có thể được tính theo thời gian bị mất.

Công thức tính thời gian bị mất:

Thời gian chết không theo kế hoạch = (Thời gian ngừng hoạt động của tài sản / Tổng thời gian hoạt động theo kế hoạch) x 100

Công thức tính thời gian bị mất này có thể áp dụng cho các tài sản như máy móc riêng lẻ, dây chuyền máy, ca làm việc, phòng ban hoặc toàn bộ nhà máy sản xuất.

Từ phần trăm của thời gian chết không theo kế hoạch này và dựa vào số liệu tính toán doanh số cho mỗi giờ hoạt động liên tục có thể tính ra phần doanh số bị mất trong thời gian chết, cộng với các chi phí cố định như tiền lương cho nhân viên và các chi phí phát sinh như phí sửa chữa, thay thế do thời gian chết sẽ tính được tổng chi phí bị mất do downtime không theo kế hoạch.

Nếu bỏ qua phương trình toán học trên, thì ngoài chi phí liên quan đến doanh số thì chúng ta cũng nhận ra thời gian chết trong sản xuất đem lại những tác động xấu như sau:

  • Hàng hóa sản xuất bị chậm trễ khiến khách hàng thất vọng vì không nhận được hàng đúng hạn.
  • Danh tiếng công ty bị tổn hại bởi mất sự uy tín với khách hàng và có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn nếu khách hàng thất vọng chia sẻ với người khác.
  • Có thể mất khách hàng do lượng đơn lặp lại giảm.
  • Có thể gây tổn thất nếu nguyên liệu thô không thể sử dụng được do chậm trễ trong quá trình sản xuất.
  • Ảnh hưởng đến tâm lý nhân viên, người lao động nếu thường xuyên downtime ngoài kế hoạch.
  • Dữ liệu thống kê không đáng tin cậy do hệ thống kiểm soát có khả năng bị gián đoạn.

 Giải pháp hạn chế thời gian ngừng sản xuất không theo kế hoạch

Downtime trong sản xuất là gì? Giải pháp khắc phục downtime

Trong thực tế thời gian chết không theo kế hoạch là không thể tránh khỏi, chúng ta chỉ có thể sử dụng các giải pháp để hạn chế chúng. Đồng thời có kế hoạch để thường xuyên bảo dưỡng, bảo trì máy thì thời gian ngừng sản xuất này lại có ích và cũng là một trong những cách để hạn chế thời gian chết không mong muốn. Dưới đây là những giải pháp để hạn chế downtime không theo kế hoạch:

Kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị đầy đủ

Có kế hoạch để kiểm tra hoạt động của máy móc, thiết bị và bảo dưỡng, bảo trì chúng là công việc quan trọng và cần làm định kỳ để đảm bảo máy móc được hoạt động thông suốt, ổn định.

Đào tạo nhân viên đúng cách

Các nhân viên cần được đảm bảo rằng đều được cập nhật các kiến thức chuyên môn mà họ cần, không chỉ kỹ năng vận hành hệ thống mà còn cả những biện pháp bảo đảm an toàn trong sản xuất. Điều này rất quan trọng để giảm thiểu thời gian chết do lỗi của con người.

Nâng cấp hệ thống thiết bị

Hệ thống máy móc thiết bị chất lượng sẽ đảm bảo tuổi thọ và thời gian hoạt động bền bỉ. Do đó hãy cân nhắc nâng cấp thiết bị của bạn để đảm bảo chúng không xảy ra lỗi và thiếu ổn định do đã cũ kỹ hoặc lỗi thời. 

Cải thiện các tiêu chuẩn công việc

Việc áp dụng các tiêu chuẩn về tác phong làm việc, văn hóa công ty và giao tiếp trao đổi giữa các quản lý, nhân viên với nhau sẽ đảm bảo tránh những xung đột không đáng có, đảm bảo quy trình làm việc được diễn ra trơn tru, đồng bộ, đảm bảo hoạt động xuyên suốt của dây truyền sản xuất.

Cải tiến, tối ưu hóa quy trình sản xuất

Thu hút tất cả các nhân viên trong công ty tham gia vào quá trình cải tiến tối ưu hóa quy trình, giúp cho các hoạt động tinh gọn hơn, hiệu quả hơn nhằm giảm thiểu tối đa những thời gian ngừng sản xuất lãng phí trong doanh nghiệp.

Áp dụng an ninh mạng cho hệ thống

Thời đại kỹ thuật số hiện nay, các cuộc tấn công mạng trở nên phổ biến và có thể gây ra những sự cố kéo dài khó khắc phục cho hệ thống sản xuất của bạn. Việc áp dụng các biện pháp bảo vệ để tránh virut, hacker sẽ đảm bảo cho hệ thống của bạn được hoạt động an toàn.

Lên kế hoạch cho những sự cố bất ngờ

Mặc dù rất khó để dự đoán thời gian sự cố downtime phát sinh, nhưng chúng ta có thể chuẩn bị trước những kế hoạch dự phòng nếu không may chúng xảy ra. Lên trước những kế hoạch ứng phó với các sự cố bất ngờ sẽ giúp doanh nghiệp của bạn giảm thiểu những hậu quả do ngừng sản xuất không mong muốn xảy ra.

Trên đây là những thông tin liên quan đến vấn đề downtime trong sản xuất. Hy vọng với nội dung này, các bạn sẽ có những chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho xưởng sản xuất của mình và tránh được tối đa những thời gian ngừng sản xuất không mong muốn.