Máy Phay CNC Là Gì? Cấu Tạo Máy Phay CNC
1. Máy phay CNC là gì?
Máy phay CNC là loại máy gia công cơ khí có chức năng chính là thực hiện các nguyên công phay trên nhiều dạng bề mặt phôi thông qua hệ thống điều khiển tự động bằng máy tính (Computer Numerical Control), cho phép máy hoạt động gần như tự động. Ngoài thực hiện nguyên công phay thì máy phay còn có thể thực hiện khoan, khoét, cắt rãnh, cắt bánh răng… Dụng cụ cắt được sử dụng chính trên máy phay CNC là dao phay CNC.
Ứng dụng chính của máy phay CNC:
- Cho phép gia công, cắt gọt các chi tiết sản phẩm theo khuôn mẫu tùy theo các nhu cầu của khách hàng.
- Máy phay CNC được sử dụng nhiều nhất trong các công ty, xưởng sản xuất các phụ tùng, chi tiết máy kim loại trong ngành cơ khí chế tạo.
- Máy cũng được sử dụng trong các xưởng gia công và sản xuất đồ gia dụng.
- Hiện nay, trong ngành chế tác, chạm khắc đồ gỗ thủ công mỹ nghệ thì các máy phay CNC cũng được dùng nhiều hơn.
2. Cấu tạo máy phay CNC
Mỗi loại máy phay CNC lại có những thiết kế riêng biệt, có sự khác nhau về cấu trúc. Tuy nhiên về cơ bản thì mỗi máy phay CNC đều có những bộ phận chính như sau:
2.1 Bàn máy và hệ thống gá kẹp
Bàn máy là bộ phận dùng để đặt gá chi tiết khuôn hoặc đồ gá. Có hai loại bàn máy ngang và bàn máy dọc trên các máy phay CNC. Bàn máy cần có độ cứng vững cao, đồng thời cũng có thể di chuyển linh hoạt và chính xác. Điều này đảm bảo độ chính xác trong gia công, cũng như có thể gia công được các chi tiết có hình dạng phức tạp.
2.2 Dao và đầu gắn dao
Một máy phay CNC sở hữu nhiều đầu dao khác nhau, có thể lên đến hơn 20 đầu dao với những kích thước, hình dạng khác nhau để đáp ứng cho đa dạng các yêu cầu phay. Đầu gắn dao có thiết kế cho phép gắn nhiều loại dao phục vụ cho quá trình gia công đồng thời, liên tục, rút ngắn thời gian gia công do không phải (hoặc ít phải) thay dao. Việc chuyển đổi dao trong quá trình gia công sẽ được các máy phay CNC thực hiện hoàn toàn tự động.
2.3 Trục chính và động cơ cho các trục
Trục chính là bộ phận thực hiện chuyển động xoay tròn cho các loại dao phay. Để trục chính có thể chuyển động thì cần đến hệ thống động cơ, thường bao gồm motor chính, hộp giảm tốc. Đồng thời trên máy phay thì ngoài chuyển động quay tròn của dao phay, còn có chuyển động theo các hướng X, Y, Z (được gọi là số trục). Thông thường máy phay CNC có 3 trục, nhưng cũng có loại máy phay CNC 4 trục, 5 trục… Mỗi trục này đều được trang những bị động cơ riêng biệt cho phép dao phay hoặc bàn máy di chuyển theo các hướng X, Y, Z để thực hiện gia công theo các hướng khác nhau.
2.4 Bộ phận điều khiển
Trên các máy phay CNC thì đây chắc chắn là phần không thể thiếu và nó giống như “bộ não” của máy phay CNC. Bộ phận điều khiển cho phép cài đặt chương trình làm việc, điều khiển và vận hành máy. Nó bao gồm cụm điều khiển máy MCU (Machine Control Unit) và cụm dẫn động (Driving Unit).
2.5 Hệ thống xử lý dữ liệu
Máy phay CNC bao gồm một hệ thống phần mềm giúp xử lý các dữ liệu một cách nhanh chóng. Những bản thiết kế CAD 2D hoặc 3D chi tiết sẽ được xuất file để những người lập trình viên cài đặt lập trình bằng phần mềm CAM (hoặc một số phần mềm chuyên dụng khác). Dựa vào xử lý của phần mềm này mà các đường dẫn cho mô hình 2D hay 3D sẽ được tạo ra. Mọi dữ liệu sẽ được liên kết và thể hiện trên các máy phay CNC để người lập trình viên có thể thiết lập các thông số, chức năng trên máy phay cho phù hợp. Tất cả các thao tác sẽ được thực hiện thông qua hệ thống máy vi tính.
2.6 Hệ thống làm mát
Bộ phận này của máy phay CNC giúp tản nhiệt, làm mát cho máy phay CNC cũng như cho dao phay khi hoạt động. Khi dao phay quay với tốc độ cao, ma sát giữa dao và phôi sẽ sinh ra nhiệt lớn, để tránh nhiệt độ cao làm ảnh hưởng đến quá trình gia công, cần phải có chất làm mát cho lưỡi dao. Hệ thống làm mát cho dao phay với tính năng kiểm soát nhiệt độ của chất làm mát.
2.7 Khung bảo vệ máy
Đây là phần vỏ ngoài của máy phay CNC có nhiệm vụ che chắn các bộ phận khác của máy tránh ảnh hưởng của môi trường bên ngoài, tránh văng chất làm mát ra ngoài, đồng thời giúp bảo vệ an toàn cho người vận hành trong khi gia công.
3. Phân loại máy phay CNC
3.1 Phân loại theo phương trục chính
- Máy phay đứng: trục chính có phương vuông góc với bàn máy.
- Máy phay ngang: trục chính có phương song song với bàn máy.
Xem thêm: Những sự khác biệt giữa máy phay ngang và máy phay đứng
3.2 Phân loại theo cấu tạo của bàn máy
- Máy phay công xôn: bao gồm bàn máy dọc nằm phía trên bàn máy ngang, hai bàn máy này di chuyển theo 2 hướng X, Y. Phía dưới 2 bệ máy có bệ công xôn nâng đỡ, bệ công xôn di chuyển theo hướng Z. Cả 3 phần này kết hợp với nhau giúp di chuyển phôi di chuyển theo 3 trục X, Y, Z.
- Máy phay cố định: kết cấu bàn máy chỉ di chuyển được theo chiều dọc và ngang (X, Y), còn chiều đứng (Z) là chuyển động tịnh tiến lên xuống của đầu dao phay.
- Máy phay thân ngang: là loại máy phay có thân ngang nằm phía trên thân máy.
- Máy phay giường: là loại máy phay thân cố định loại lớn có các cổng trục ngang mang nhiều đầu dao.
3.3 Phân loại theo công dụng của máy
- Máy phay chuyên dụng: dùng để gia công một dạng bề mặt nhất định nào đó như phay răng, then hoa, phay chép hình…
- Máy phay vạn năng: cho phép gia công nhiều bề mặt khác nhau trên cùng một máy, cũng có thể dùng để gia công khoan, khoét…
4. Cách vận hành máy phay CNC
Để có thể vận hành máy phay CNC thì yêu cầu bạn cần nắm chắc nguyên lý, cách thức hoạt động của máy phay, hiểu và nắm được các kiến thức cơ khí, và đòi hỏi bạn cần biết cả những câu lệnh trong mã lệnh G-code. Về cơ bản sẽ có những bước sau khi vận hành máy phay CNC (áp dụng cho máy phay CNC 3 trục):
- Bước 1: Làm sạch bề mặt bàn máy, đồ gá và chi tiết. Loại bỏ bụi bám, dầu, phoi còn sót lại trong quá trình gia công trước… để đảm bảo an toàn và độ chính xác khi gia công.
- Bước 2: Lắp các loại dao cụ cần thiết cho quá trình phay lên ụ dao.
- Bước 3: Set phôi trên các trục X, Y, Z bằng cách sử dụng các thiết bị đo kiểm chuyên dụng hoặc sử dụng trực tiếp dao cắt.
- Bước 4: Kiểm tra dung dịch làm mát, điều chỉnh các dòng chất làm mát để đảm bảo làm mát dao cắt và xả phoi tốt nhất.
- Bước 5: Tiến hành chạy máy. Kích hoạt chế độ Single Block và sau đó nhấn bắt đầu chạy máy (Cycle Start). Trong quá trình chạy máy, cần theo dõi từng chuyển động của máy để có thể sẵn sàng dừng máy trong trường hợp có bất kỳ lỗi nào xảy ra.
Trên đây là những thông tin về máy phay CNC, hy vọng là các bạn đã hiểu nhiều hơn về loại máy gia công cơ khí này. Nếu bạn đang có nhu cầu tìm mua các máy phay CNC, hãy liên hệ ngay với chúng tôi – Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Tinh Hà. Hiện chúng tôi đang phân phối các loại máy phay CNC của OKUMA, máy trung tâm gia công MAXMILL. Liên hệ ngay với Tinh Hà qua Hotline 0945 275 870 hoặc email tinhha@tinhha.vn để được hỗ trợ tốt nhất!