Vát mép là gì và có những kiểu vát mép nào?

Đăng bởi: Tinh HàDanh mục: Tin kỹ thuậtThời gian: 15/08/2024

Vát mép (chamfering) là một nguyên công được thực hiện khá thường xuyên trong cơ khí chính xác và trong bài viết này, hãy cùng Tinh Hà tìm hiểu kỹ thuật gia công đơn giản nhưng hữu ích này.

1. Vát mép là gì?

Vát mép là gì

Vát mép là một quy trình cắt gọt kim loại liên quan đến việc loại bỏ có kiểm soát một phần vật liệu tại các cạnh sắc nhọn của phôi để tạo ra một bề mặt góc cạnh hoặc bo tròn. Vát mép giúp tăng chất lượng, độ bền và tính thẩm mỹ cho sản phẩm.

2. Các loại vát mép

Các loại vát mép

2.1 Vát cạnh thẳng (C Chamfering)

Vát cạnh thẳng hay vát C là quá trình tạo ra một bề mặt phẳng nhỏ có độ dốc với góc cắt thông thường ở 45o (vát đối xứng) hoặc một góc cắt khác theo yêu cầu thiết kế mặc dù ít phổ biến hơn (vát bất đối xứng). 

Trong bản vẽ kiểu vát mép này được ký hiệu bằng chữ cái C kèm theo trị số chỉ chiều rộng được cắt vào từ mép cạnh, được thể hiện theo một trong hai cách như hình dưới.

Vát cạnh thẳng (C Chamfering)

Ở đây 0.5mm đề cập đến chiều rộng cần loại bỏ khỏi cạnh, không phải chiều dài của bề mặt cạnh dốc.

2.2 Vát bo cung R (R Chamfering)

Vát bo cung R hay vát mép R, vát cung R là quá trình xử lý các góc nhọn thành biên dạng hình vòng cung theo một bán kính nhất định. 

Trong bản vẽ vát cung R được ký hiệu bằng chữ cái R kèm theo trị số chỉ bán kính cung tròn. Ví dụ R1.5 có nghĩa là bo cung tròn bán kính 1.5mm.

Vát bo cung R (R Chamfering)

2.3 Vát chỉ cạnh (Line chamfering)

Vát chỉ cạnh hay vát mép gọt chỉ, gọt cạnh chỉ là quá trình vát mép ở mức độ cực kỳ nhỏ mà mắt thường không nhận ra được. Về cơ bản nó loại bỏ đi một phần vật liệu rất nhỏ, chỉ cỡ một đường chỉ tại góc, gần như với phương pháp vát C khoảng 0.2 – 0.3 mm. Nhưng khác với vát C hay vát cung R, không có quy định cụ thể nào về kích thước và hình dạng của biên dạng cạnh vát.

Vát chỉ cạnh được sử dụng trong những trường hợp không cần vát C hay vát R nhưng cần làm giảm đi độ sắc nhọn của góc cạnh chi tiết mà không làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ thiết kế.

3. Mục đích và lợi ích của vát mép

3.1 Tăng cường độ an toàn

Mục đích cũng là lợi ích đầu tiên mà vát mép mang đến chính là độ an toàn cho cả người sử dụng và bên sản xuất. Các góc cạnh sắc được loại bỏ giúp giảm được tối đa nguy cơ thương tích cho người lắp ráp và người sử dụng.

3.2 Tăng độ bền cho sản phẩm

Vát mép giúp ngăn chặn sự tập trung ứng suất vào khu vực các cạnh của chi tiết, nơi có thể dễ bị biến dạng hoặc nứt vỡ, từ những hỏng hóc này có thể khiến lan rộng ra cả sản phẩm. Do đó vát mép cũng giúp tăng tuổi thọ, độ bền cho sản phẩm.

3.3 Giúp việc lắp ráp dễ dàng hơn

Các bộ phận có cạnh vát giúp quá trình lắp ráp chúng với nhau trở nên dễ dàng hơn do những cạnh vát có thể trở thành những đường dẫn hoặc tạo khoảng trống mở rộng giúp việc ghép các chi tiết lại với nhau không bị lệch hay tắc khí. Chẳng hạn việc ghép trục vào lỗ thì khi cả miệng lỗ và trục được vát mép thì việc đưa chúng vào với nhau sẽ trở lên dễ hơn nhiều.

3.4 Cải thiện chất lượng sản phẩm

Những góc cạnh sắc của các bộ phận có thể va chạm vào nhau gây ra các vết trầy xước trên chính bề mặt của sản phẩm trong quá trình lắp ráp, vận chuyển và sử dụng. Vát mép giúp ngăn chặn điều này xảy ra. Đồng thời các góc cạnh được vát mép cũng giúp cho quá trình sơn mạ trở nên đồng đều và bám dính tốt hơn, từ đó tăng độ thẩm mỹ cho sản phẩm.

4. Phương pháp gia công vát mép

Vát mép có thể được thực hiện trên các máy phay, máy tiện, máy khoan bằng cách sử dụng các loại dao vát mép, dao phay hay dao tiện phù hợp. Ngoài ra vát mép còn được thực hiện bằng cách cắt laser, cắt tia nước hay cắt plasma.

Phương pháp gia công vát mép

Đối với quy trình vát mép trên máy phay, máy khoan thì dao vát mép với phần lưỡi dao được thiết kế tương ứng với kiểu vát mép sẽ được sử dụng. Với kiểu vát C, lưỡi dao sẽ thường tạo với trục quay của dao một góc 45 độ, còn với vát R, lưỡi dao được tạo hình cung tròn với bán kính tương ứng.

Trường hợp vát C cũng có thể sử dụng dao phay đầu vuông bằng cách nghiêng trục của dao phay và phôi một góc phù hợp với nhau. Cách này thường dễ thực hiện hơn trên các máy gia công 5 trục.

Đối với quy trình vát mép trên máy tiện, dao tiện được thiết lập với một góc phù hợp với trục của phôi, thường chủ yếu là kiểu vát C. Với kiểu vát cung R, dao tiện định hình hoặc dao vát mép cũng có thể được sử dụng tùy vào trường hợp.

5. Tinh Hà phân phối các loại dao vát mép Nhật Bản

Công ty Tinh Hà là đại lý của nhiều hãng dụng cụ cắt gọt CNC nổi tiếng của Nhật Bản, trong đó có các loại dao vát mép với các thông số khác nhau phù hợp cho nhiều yêu cầu gia công vát mép của bạn. Để được tư vấn nhiều thông tin hơn nữa về các loại dao vát mép, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ nhiều hơn.