Cách sử dụng và đọc kết quả đo thước panme Mitutoyo

Đăng bởi: Vạn ThànhDanh mục: Tin kỹ thuật

Làm sao để sử dụng thước panme một cách đúng đắn và mang lại kết quả đo chính xác, cũng như đọc trị số của thước panme cơ khí như thế nào? Bài viết này Tinh Hà sẽ hướng dẫn các bạn.

Cách sử dụng panme

Hướng dẫn sử dụng panme

1. Lựa chọn thước panme phù hợp

  • Chọn loại panme dựa theo vị trí cần đo

Tùy theo vị trí, khu vực cần đo kích thước trên vật thể mà chúng ta sẽ lựa chọn loại thước panme phù hợp. Theo như bài viết Thước panme là gì? Cấu tạo và phân loại panme thì có ba loại panme chính dựa theo nhu cầu đo là panme đo ngoài, panme đo trong và panme đo sâu. Thước panme đo ngoài được sử dụng để đo kích thước giữa hai điểm nằm phía ngoài một chi tiết chẳng hạn như đường kính bên ngoài của ống. Thước panme đo trong được sử dụng để đo kích thước giữa hai điểm nằm bên trong hốc, lỗ, khe, rãnh của một chi tiết, chẳng hạn như đường kính bên trong của ống. Thước panme đo sâu được sử dụng để đo độ sâu của một chi tiết nào đó.

  • Chọn thước panme có phạm vi đo phù hợp

Không giống với nhiều loại thước khác, ví dụ như thước kẹp có thể đo được kích thước trong một phạm vi lớn, chẳng hạn 0-200mm, thước panme chỉ cho phép đo trong một phạm vi kích thước nhỏ như 0-25mm, 25-50mm… (ngoại trừ thước panme đo sâu có thể đo được trong một phạm vi lớn gần như thước kẹp), cho nên với kích thước ước lượng cần phải đo kiểm, các bạn cần lựa chọn phạm vi đo của thước panme phù hợp. Chẳng hạn như với kích thước cần đo ước lượng là 40mm, bạn sẽ cần chọn thước panme có phạm vi đo 25-50mm.

  • Chọn độ phân giải của thước panme theo dung sai yêu cầu

Độ phân giải và độ chính xác của thước panme là những thông số để chúng ta biết nó có thể đo chính xác đến mức nào. Hầu hết các thước panme đều đo đến 0.01mm, một đơn vị phổ biến cho dung sai gia công. Những thước panme điện tử có thể thực hiện các phép đo chính xác hơn, độ phân giải của nó thường là 0.001mm với độ chính xác có thể là ±1µm, ±2µm hay ±3µm. Một số thước panme được thiết kế đặc biệt có thể thực hiện phép đo có độ chính xác cực cao với độ phân giải 0.0001mm và độ chính xác ±0.5µm. Tùy theo yêu cầu dung sai của thiết kế mà bạn cần chọn độ phân giải và độ chính xác thước panme phù hợp để biết chính xác được sai số kích thước.

  • Ngoài ra có thể chọn thước panme điện tử hay cơ khí, có khả năng chống dầu, chống nước hay không, kiểu dáng đầu đo của thước panme, tùy theo yêu cầu đo lường trong thực tế.

2. Kiểm tra panme trước khi đo

Sử dụng căn mẫu với thước panme đo ngoài
Sử dụng căn mẫu với thước panme đo ngoài. Ảnh techmaster
  • Trước khi bắt đầu quá trình đo, kiểm tra ngoại quan thước panme xem có bị sứt mẻ hay không, đặc biệt là ở phần đầu đo. Đồng thời thực hiện xoay núm vặn thể xem đầu đo di động có di chuyển trơn tru hay không, có bị kẹt hay vướng mắc gì không. Nếu có vấn đề về đầu đo, lập tức không sử dụng và mang đi bảo hành hoặc sửa chữa.
  • Tiếp theo, nếu không có vấn đề gì về khả năng hoạt động của thước, vệ sinh sạch các đầu đo để đảm bảo đầu đo không dính bụi, dầu có thể ảnh hưởng đến kết quả đo.
  • Sau khi vệ sinh cần kiểm tra điểm 0 (là điểm gốc) của thước panme có đúng vị trí hay không, nếu chưa đúng thì cần điều chỉnh lại bằng cách sử dụng chốt khóa và xoay thước về vị trí chuẩn trên các panme cơ khí; các panme điện tử thường tự động set 0 sau khi khởi động lại hoặc dùng nút Zero trên thước sau khi đã chỉnh đúng vị trí của thước đo. Có thể sử dụng căn mẫu (block gauge) hoặc dưỡng chuẩn (master plug hoặc master ring) để kiểm tra điểm 0 của thước panme.
  • Cuối cùng nếu thước panme hoạt động ổn định và có kết quả chính xác sau khi kiểm tra với mẫu chuẩn thì nó đã sẵn sàng để sử dụng.

3. Cách đo bằng thước panme

Trước khi tiến hành đo, cần đảm bảo bề mặt cần đo trên vật thể được sạch sẽ nhằm đảm bảo độ chính xác của kết quả đo.

Đối với panme đo ngoài

cách đo bằng panme đo ngoài
Cách đo bằng panme đo ngoài. Ảnh Mitutoyo
  • Một tay cầm chắc khung thước panme, tay còn lại nới lỏng vít kẹp, xoay nút vặn để mở rộng khoảng cách giữa hai đầu đo lớn hơn kích thước cần đo trên vật thể một chút. Đối với các vật thể cần đo nhỏ nhẹ, di chuyển được thì có thể cố định thước panme trên một đế gá.
  • Di chuyển thước panme hoặc mẫu vật sao cho vị trí cần đo của vật thể nằm giữa hai đầu đo của thước. Áp đầu đo cố định vào một điểm cần đo trên vật thể, sau đó xoay núm vặn từ từ để đầu đo di động tiến gần vào bề mặt cần đo ở điểm còn lại đến khi nghe tiếng tạch tạch thì khóa chốt lại để đọc kết quả đo. Đảm bảo đường tâm của hai đầu đo trùng với đường kích thước cần đo. Lưu ý không vặn thước phụ để xoay đầu đo chạm vào vật thể sẽ gây hư hỏng cho thước hoặc vật thể và sẽ giảm độ chính xác của phép đo.
  • Đọc chỉ số trên thước đo chính và thước đo phụ của panme cơ khí hoặc đọc kết quả đo được trên màn hình hiển thị của panme điện tử.
  • Nếu muốn lấy panme ra khỏi vị trí cần đo thì cần đảm bảo đầu đo đã được cố định bởi chốt khóa của panme. Tuy nhiên nên hạn chế di rời thước khỏi vị trí cần đo mà nên đọc luôn kết quả.

Đối với panme đo trong

cách đo bằng panme đo trong
Cách đo bằng panme đo trong. Ảnh Mitutoyo
  • Xoay thước phụ để thu ngắn chiều dài của panme sao cho nhỏ hơn kích thước cần đo trên vật thể một chút.
  • Đưa panme vào giữa hai điểm cần đo kích thước, xoay nhẹ nhàng thước phụ để kéo dài đầu đo di động của panme đo trong sao cho hai đầu của panme chạm vào hai vị trí cần đo kích thước trên vật thể.
  • Khi xoay thước phụ, một tay giữ thân thước và điều chỉnh sao cho đường tâm của hai đầu đo trùng với đường kích thước cần đo. Đối với các lỗ tròn cần đo đường kính, điều chỉnh sao cho thước nằm trùng với bề mặt vuông góc với lỗ và thân thước trùng với đường kính lỗ.
  • Chốt khóa và đọc kết quả đo được tương tự với thước panme đo ngoài.

Đối với panme đo sâu

cách sử dụng panme đo sâu
Cách đo bằng panme đo sâu. Ảnh Mitutoyo
  • Đầu tiên xoay thước để thu ngắn que đo, tiếp theo đưa que đo vào vị trí cần đo độ sâu, chẳng hạn như miệng lỗ, hốc, đỉnh rãnh.
  • Một tay cầm thân thước panme đo sâu để giữ cố định phần mặt đo trên miệng lỗ, đỉnh rãnh, sao cho mặt phẳng của mặt đo vuông góc với trục của lỗ, hốc, rãnh hay nói cách khác là vuông góc với đường kích thước cần đo độ sâu.
  • Tay còn lại xoay núm vặn để que đo kéo dài cho đến khi chạm vào đáy của lỗ, hốc, rãnh cần đo độ sâu.
  • Đọc kết quả trên thước đo tương tự như với panme đo ngoài.

Hướng dẫn cách đọc trị số trên thước panme

Cách đọc panme này áp dụng cho tất cả các loại thước panme đo ngoài, đo trong và đo sâu. Khi đọc thước panme cơ khí, các bạn chú ý đến phần thước chính và thước phụ của thước, chi tiết hơn về cách đọc hãy quan sát hình dưới và đọc các bước hướng dẫn sau.

cách đọc thước panme

  • Trên thước đo chính sẽ biểu thị phần nguyên của kết quả đo, được đánh số theo dải đo của panme, đơn vị tính là mm, chẳng hạn như trong hình là từ 25-50mm. Một trục chính nằm giữa thân thước chính chia thành 2 nửa trên dưới, khoảng cách giữa 2 vạch phía trên trục chính là 1mm, khoảng cách giữa 2 vạch trên dưới liên tiếp nhau là 0.5mm.
  • Thước phụ biểu thị phần thập phân của kết quả đo. Trên thước phụ sẽ được chia thành 50 phần bằng nhau, đánh dấu bằng 49 vạch, giữa 2 vạch liền nhau tương ứng với 0.01mm. Khi tiến hành quay thước phụ đủ 1 vòng sẽ đi được 0.5mm, quay đủ 2 vòng sẽ là 1mm.
  • Bây giờ hãy chú ý vào hai điểm A và B được đánh dấu ở hình trên:
    • Quan sát trên thước chính: điểm B đã qua vạch 30mm ⇒ phần nguyên của kết quả đo là 30.
    • Quan sát trên thước phụ: điểm B đang ở vạch thứ 45 (tương ứng 0.45mm) và đã đi qua điểm A, vì vậy khoảng cách từ vạch 30 đến điểm B sẽ là 0.45 + 0.5 = 0.95mm ⇒ phần thập phân của kết quả là 0.95.
    • Tổng lại kết quả đo được sẽ là 30 + 0.95 = 30.95mm.

Chúng ta xét thêm một trường hợp khác như hình phía dưới:

cách đọc trị số thước panme

  • Quan sát trên thước chính: điểm B đã qua vạch 32mm ⇒ Phần nguyên của kết quả đo là 32.
  • Quan sát trên thước phụ: điểm B đang ở vạch 38mm, đồng thời chưa đi qua vạch phía dưới tính từ điểm C, có nghĩa là nó chưa đi hết 1 vòng thước phụ, do đó khoảng cách từ vạch 32mm đến điểm B là 0.38mm ⇒ Phần thập phân của kết quả đo là 0.38.
  • Tổng lại kết quả đo là 32 + 0.38 = 32.38mm.

Phía dưới đây là một vài minh họa của kết quả đo đọc được từ thước panme cơ khí:

cách đọc panme cách đọc panme
28.08 mm 28.37 mm
cách đọc panme cách đọc panme
28.90 mm 28.68 mm

Đến đây, rất mong là các bạn đã có thể sử dụng và đọc thước panme cơ khí một cách thành thạo. Nhưng để đạt được kết quả đo chính xác hơn và không phải mỏi mắt hay phải tính toán thì các bạn hãy lựa chọn thước panme điện tử để sử dụng. Hiện công ty Tinh Hà chúng tôi là đại lý ủy quyền của hãng Mitutoyo với rất nhiều các loại panme chất lượng cao, có độ chính xác cao và hoạt động bền bỉ. Vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi theo thông tin trên website tinhha.com.vn để được hỗ trợ, tư vấn nhiều hơn.