Những lỗi gia công CNC thường gặp và cách khắc phục
Quá trình gia công trên các máy CNC khó tránh khỏi những lỗi, sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vậy đâu là những lỗi thường gặp khi gia công CNC và cách khắc phục như thế nào? Hãy cùng Tinh Hà tìm hiểu qua bài viết này.
1. Máy CNC đang chạy bị dừng lại
Rất nhiều người vận hành máy CNC đã gặp phải lỗi này trong khi đang gia công, nguyên nhân khiến cho máy CNC bị dừng đột ngột có thể là do:
- Máy tính bị tắt khiến máy CNC ngừng hoạt động: Khi máy tính bị tắt khiến cho kết nối giữa máy CNC với card điều khiển bị ngắt, làm cho máy gia công dừng hoạt động. Bạn cần xem lại máy tính, có thể do nó được cài đặt chế độ ngủ đông, bạn chỉ cần khởi động lại máy tính và tắt chế độ ngủ đông đi là được.
- Card bị hỏng hoặc mất kết nối với card PCI: Nếu kiểm tra thấy card bị hỏng, bạn cần thay bằng một card mới.
Khi máy CNC không hoạt động, lúc này xung card điều khiển với bàn phím, chuột, phần mềm sẽ báo đỏ, bạn cần tắt và khởi động lại máy tính, có thể xem xét sử dụng bàn phím cổng COM.
Xem thêm bài viết:
» Hướng dẫn bảo dưỡng máy CNC đúng quy trình
» Nên mua máy CNC cũ hay mới? Phân tích ưu nhược điểm
» Sự khác biệt giữa máy NC và máy CNC
2. Spindle CNC không quay
Thường xảy ra khi người dùng tắt mở đột ngột nguồn của máy CNC khiến cho biến tần bị lỗi. Khi đó, bạn nên tắt hẳn máy CNC và đợi khi đồng hồ biến tần tắt hẳn rồi hãy khởi động lại máy để tiếp tục sử dụng.
Một nguyên nhân khác là do dây kết nối với máy CNC hoặc card trong máy tính có vấn đề, có thể là do chúng bị lỏng hoặc bị hỏng, bạn cần tắt hẳn nguồn máy tính, sau đó cắm lại dây hoặc card, nếu hỏng bạn cần thay mới chúng.
Spindle không quay cũng có thể do dây nguồn ở bộ phận này gặp vấn đề, chẳng hạn như bị đứt hoặc chập dây. Bạn cần kiểm tra lại dây nguồn để xem nếu có vấn đề thì cần thay bằng dây mới.
Trường hợp lỗi do chính spindle, chẳng hạn như cháy cuộn dây hoặc kẹt vòng bi bên trong, nặng nhất là spindle của máy bị hỏng, lúc này thì cách khắc phục tốt nhất là thay mới bộ phận này. Spindle cũng có thể bị nóng quá mức và ngừng hoạt động, bạn cần kiểm tra lại hệ thống làm mát của máy CNC.
3. Trục chính máy CNC gây ra tiếng ồn lớn
Nguyên nhân có thể gây ra bởi bệ máy không vững, thường do sàn đặt máy không bằng phẳng, bạn cần tìm một không gian khác bằng phẳng hơn để đặt máy nhằm đảm bảo độ cân bằng, cứng vững của máy.
Nếu không phải do chân máy bị lệch thì rất có thể trục chính đã bị vỡ ổ bi hoặc hệ thống làm mát máy bị tắc nghẽn lâu ngày, khiến ổ bi trong máy bị cháy và vỡ ra. Bạn cần thay ổ bi hoặc một trục chính mới.
4. Máy CNC không hoạt động hoặc hoạt động nhưng không đúng chủ ý
Lỗi này được thể hiện thông qua màn hình điều khiển trên máy CNC bằng dòng báo lỗi, thường một trục hoặc tất cả các trục máy CNC không chạy hoặc di chuyển không bình thường.
Nguyên nhân thường do phần mềm của máy CNC có vấn đề, có thể do cài đặt không đúng hoặc bị virus tấn công. Cũng có thể do phần mềm không tương thích với máy, hệ thống. Bạn cũng nên kiểm tra cả card điều khiển xem có bị lỏng không, hoặc dây từ hộp điều khiển đến động cơ có bị chập chờn.
Tùy vào nguyên nhân gây ra lỗi mà có cách giải quyết phù hợp. Nếu do phần mềm bị lỗi thì bạn cần cài đặt lại phần mềm hoặc lựa chọn một phần mềm khác tương thích hơn. Nếu do card hay dây kết nối bạn cần vệ sinh dây, card và khe cắm, sau đó cắm lại chúng cho chắc chắn và chính xác. Nếu hộp điều khiển đến động cơ bị chập chờn thì cần kiểm tra, sửa chữa bằng cách thay thế những dây điều khiển hoặc thay driver mới nếu có lỗi về driver.
5. Lỗi driver máy CNC
Driver hỏng là nguyên nhân chính dẫn đến việc không điều khiển được motor, khi đó cần thay mới driver cho máy. Cũng có thể do dây kết nối giữa driver với motor bị lỏng hoặc đứt gây ra lỗi driver, khi đó cần thay dây mới hoặc cắm chúng lại cho chắc.
Một nguyên nhân khác là do các trục bị kẹt con trượt. Nếu ở mức nhẹ bạn có thể dùng nhớt hoặc dầu R7 để bôi trơn các con trượt. Nhưng nếu nặng hơn thì cần phải thay con trượt mới.
Driver không sáng thì vấn đề này có lẽ do bị hỏng ở nguồn, hoặc các dây nối bị lỏng ra, kết nối không ổn định.
6. Mâm cặp và đồ gá không kẹp hoặc kẹp chi tiết không đúng theo yêu cầu
Đối với vấn đề này trên máy CNC, bạn cần kiểm tra lại những bộ phận dưới đây để có hướng khắc phục:
- Kiểm tra đã định vị chính xác chưa để đảm bảo kẹp chặt chi tiết.
- Bơm thủy lực và áp suất thủy lực đã thiết lập đầy đủ chưa.
- Các hàm sử dụng đã được đặt đúng và đủ để kẹp chặt chi tiết không.
- Nếu mâm cặp không đóng/mở, kiểm tra xem công tắc chân có hoạt động hay không hoặc dây dẫn có bị đứt không.
- Đảm bảo chất bôi trợn đủ cho các bộ phận khác nhau của mâm cặp.
- Đảm bảo không có bụi bẩn hay mảnh vụn ảnh hưởng đến chuyển động của mâm cặp.
- Nếu lỗi hệ thống điều khiển mâm cặp, cần sửa chữa hoặc thay mới.
7. Máy CNC bị rò điện
Cần cách điện ngay khi phát hiện rò điện. Mặc đồ bảo hộ cẩn thận để kiểm tra xem rò điện ở khụ vực nào. Tiếp đo cần kiểm tra dây nối đất của máy đã đúng kỹ thuật chưa, có bị hở hay không, dây nối này cần đảm bảo đúng các chỉ số an toàn thì mới có thể cách điện hiệu quả. Bạn cần chú ý rằng việc nối đất để phòng rò điện cũng như nối để chống nhiễu điện là hai phương thức hoàn toàn khác nhau, bởi vậy cần đảm bảo nối đất đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
8. Bơm và máy lạnh đều không hoạt động
Lỗi này có thể bị gây ra bởi nguồn điện, cầu chì bị cháy. Lúc này bạn cần kiểm tra hộp điện của máy và phần nguồn được cấp cho máy, phần cầu chì bị cháy phải được thay mới ngay.
9. Gãy dụng cụ cắt
Nguyên nhân có thể là do dụng cụ cắt không phù hợp với phôi gia công hoặc dao không được kẹp chắc chắn. Lúc này cần lựa chọn dao cắt phù hợp hơn hoặc thay đầu kẹp mới đảm bảo dao được kẹp chắc chắn hơn.
10. Bề mặt sản phẩm gia công bị cháy hoặc biến dạng
Có thể dễ dàng phát hiện ra lỗi này trên bề mặt của sản phẩm gia công, đó có thể là vết sần, vết lõm, cong, cháy xém bề mặt sản phẩm. Nguyên nhân chính là do bộ phận lưỡi cắt bị mòn, cùn. Lỗi này cũng có thể xảy ra do dầu tưới nguội không đảm bảo bôi trơn và làm mát. Cách xử lý là thay dao mới và lựa chọn loại dầu làm mát phù hợp hơn.
11. Lỗi do phần mềm điều khiển
Thường được phát hiện khi máy CNC hoạt động không đúng yêu cầu hoặc máy báo lỗi. Nguyên nhân có thể do phần mềm bị lỗi, do nhiễm virus hoặc do người dùng thực hiện không đúng các bước thao tác. Lúc đó cần cài đặt lại phần mềm hoặc kiểm tra lại xem lỗi ở đâu trong các bước thực hiện điều khiển.
12. Chập điện
Đây là lỗi cực kỳ nguy hiểm trong quá trình gia công CNC, thường gây ra bởi lỗi hệ thống điện trong hoặc bên ngoài máy, nó có thể gây hỏng toàn bộ hệ thống điện hoặc ảnh hưởng đến tính mạng người dùng. Nếu phát hiện lỗi này, cần nhanh chóng ngắt cầu dao, dừng mọi hoạt động của hệ thống, sau đó liên hệ đội ngũ kỹ thuật để được hỗ trợ xử lý.
Trên đây là những lỗi thường gặp khi gia công CNC, có những lỗi phổ biến hơn và có những lỗi ít xảy ra hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo cho quá trình gia công, nhất định người vận hành máy phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy tắc an toàn lao động. Đối với các lỗi của máy CNC, nếu không có đủ chuyên môn, tốt hơn hết các bạn cần liên hệ với hãng hoặc nhà cung cấp hoặc các bên có đủ năng lực sửa chữa để khắc phục các sự cố được tốt nhất.
Công ty Tinh Hà cũng cung cấp đa dạng các loại máy gia công CNC khác nhau như các loại máy tiện CNC, máy phay CNC, máy gia công phức hợp, máy cắt dây EDM, máy gia công xung điện… Các bạn có nhu cầu mua máy gia công CNC có thể liên hệ ngay với chúng tôi qua thông tin trên website tinhha.com.vn này.