Mũi Taro Là Gì? Cấu Tạo & Phân Loại

Đăng bởi: Tinh HàDanh mục: Tin kỹ thuậtThời gian: 10/03/2022

1. Mũi taro là gì?

Tìm hiểu mũi taro, phân loại và cách chọn mũi taro

Mũi taro là dụng cụ cơ khí có chức năng tạo ren lỗ trong hoặc tạo ren ngoài, đối với mũi taro tạo ren ngoài còn được gọi là bàn ren. Trên bề mặt của mũi taro có những lưỡi dao được thiết kế chuyên biệt để có thể tạo hình ren tại vị trí cần gia công. 

» Bấm xem các dòng mũi taro OSG

2. Cấu tạo mũi taro

Tìm hiểu mũi taro, phân loại và cách chọn mũi taro

Cấu tạo cơ bản của mũi taro được chia thành 3 phần chính với kết cấu và tác dụng khác nhau, gồm:

  • Phần cắt: Là phần có có chứa các lưỡi cắt có chức năng tạo hình ren trên phôi.
  • Phần cổ mũi: Là phần không có ren, thường có tiết diện tròn, lục giác, được dùng để khắc trị số đường kính, bước ren và loại taro.
  • Phần đuôi mũi: Là phần có tiết diện vuông hoặc lục giác để có thể giữ chắc mũi taro trong đầu kẹp hoặc tay quay taro.

3. Quá trình tạo ren bằng mũi taro

Khi muốn tạo ren lỗ trong bằng mũi taro, cần phải khoan tạo lỗ trước đó, các ren sẽ được tạo thành trên bề mặt của lỗ khoan này.

Cũng cần phân biệt taro và mũi taro, là hai thuật ngữ với ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Taro là thể hiện quá trình tạo ren bằng mũi taro, nó là từ chỉ nguyên công, tương tự nguyên công khoan, phay, tiện. Còn mũi taro là một loại dụng cụ cắt gọt trong cơ khí, như đã được định nghĩa ở trên.

4. Phân loại mũi taro

Tìm hiểu mũi taro, phân loại và cách chọn mũi taro

Mũi taro có thể được phân chia thông qua nhiều cách khác nhau, dưới đây là những cách phân loại mũi taro.

4.1 Phân loại theo đơn vị đo lường

Thường gặp nhất là mũi taro theo đơn vị hệ SI, PI và dầu khí. Tuy nhiên hệ dầu khí thì thông tin khá là hạn chế và cần phải mua bản quyền.

4.2 Phân loại theo kiểu taro trong và taro ngoài

Có dao taro trong và dao taro ngoài (hay còn gọi là bàn ren).

4.3 Phân loại theo cách sử dụng thủ công hay bằng máy

Hai loại mũi taro bằng tay và bằng máy khá phổ biến trong ngành cơ khí. Với loại mũi taro sử dụng bằng tay thì trong 1 bộ sẽ thường có 2 chiếc (1 thô và 1 tinh) hoặc 3 chiếc (1 mũi thô, 1 mũi dẫn hướng và 1 mũi tinh), và khi sử dụng mũi taro bằng tay thì cần thêm 1 tay quay taro đi cùng. Mũi taro bằng máy sử dụng trên các máy CNC thì chỉ có 1 chiếc nhưng dài gấp 3 – 4 lần mũi taro bằng tay.

4.4 Phân loại theo hình dạng lưỡi cắt và rãnh thoát phoi

Dựa theo dạng lưỡi cắt và rãnh thoát phoi trên các mũi taro thì chúng ta có mũi taro rãnh thẳng, mũi taro xoắn, mũi taro rãnh thẳng có góc vát ở đầu mũi, mũi taro nén,…

4.5 Phân loại dựa theo bước ren

Dựa theo bước ren thì mũi taro được phân chia ra thành mũi taro bước chuẩn và mũi taro bước nhuyễn hay taro ren nhuyễn, chúng thường được sử dụng để gia công ren đường khí, đường nước, thực phẩm… để tránh rò rỉ hoặc cần mối ghép ren chặt.

Mũi taro bước chuẩn là loại phổ biến, chẳng hạn M10x1.5, M8x1.25. Còn mũi taro bước nhuyễn là mũi taro có bước nhỏ hơn bước chuẩn, ví dụ M10x1.25, M8x1.

4.6 Phân loại dựa vào đường ren

Theo đường ren thì có mũi taro ren phải và mũi taro ren trái. Mũi taro ren phải có đường ren thuận chiều kim đồng hồ là loại phổ biến thường hay được dùng, mũi taro ren trái có đường ren ngược chiều kim đồng hồ, thường dùng trong mối ghép ren chuyển động, như ren cánh quạt hay kính xe máy.

4.7 Phân loại dựa theo tiêu chuẩn ren

Tiêu chuẩn ren được phân ra theo nhiều vùng trên thế giới, từ đó mà có nhiều loại ren khác nhau, cũng như cần phải có các mũi taro tương ứng với tiêu chuẩn ren đó.

Chúng ta thường nghe tới mũi taro hệ met và mũi taro hệ inch, tuy nhiên như thế này là chưa đủ. Bởi tùy từng vùng và từng nước mà mũi taro lại được chia ra thành nhiều chuẩn khác nhau, chẳng hạn như ở Mỹ là UNC, NPT, NPS; ở Anh là BSW, BST,.. Mũi taro hệ met thường dùng rộng rãi ở Châu Á, được ký hiệu bằng chữ M, còn mũi taro hệ inch được dùng nhiều ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc.

Xem thêm: Dưỡng kiểm ren Ojiyas

4.8 Phân loại theo vật liệu chế tạo mũi taro

Mũi taro có thể làm bằng thép gió, thép cacbon, tuy nhiên thì tùy vào từng hãng sản xuất mà thành phần vật liệu chế tạo mũi taro lại có những sự khác nhau. Vật liệu làm mũi taro: thép hợp kim (Alloy Steel), Tungsten Steel (SKS), Thép gió HSS, HSS-E (5% Cobant), HSS-Co (8% Cobant), Thép hợp kim (Carbide). Do khi taro thường xảy ra vấn đề gãy mũi taro nên cần lựa chọn loại mũi taro có chất lượng cao.

4.9 Phân loại dựa vào vật liệu gia công

Mỗi loại vật liệu gia công sẽ tạo ra loại phoi nhất định khi taro, có thể là phoi vụn hoặc phoi dây… đồng thời độ cứng của mỗi loại vật liệu cũng khác nhau, nên đối với các loại vật liệu khác nhau như thép, đồng, nhôm… lại có những mũi taro phù hợp.

Cách phân loại phổ biến nhất là mũi taro thép thường, mũi taro thép cứng (thép đã tôi), mũi taro inox, mũi taro nhôm + đồng, mũi taro gang. Để đảm bảo chất lượng cho ren và tránh gãy dao taro, tốt nhất là chọn đúng mũi taro phù hợp với vật liệu. 

4.10 Phân loại theo phoi gia công

Dựa vào phoi thì có thể chia ra thành mũi taro cắt và mũi taro nén (hay mũi taro ép). Mũi taro cắt khi cắt sẽ sinh ra phoi, còn mũi taro nén sẽ không sinh phoi do tác dụng ép vật liệu khi taro ren nên sẽ nén phoi lại.

4.11 Phân loại dựa theo lớp phủ

Các dụng cụ cắt gọt nói chung và mũi taro nói riêng đều được phủ một lớp hợp kim đặc biệt để tăng khả năng chịu nhiệt, chịu mài mòn trong quá trình cắt gọt.  Mũi taro bình thường là bằng thép gió nó sẽ màu trắng, nếu đem đi oxide hóa bề mặt nó sẽ màu đen gọi là mũi taro OX, mũi taro phủ TiN nó sẽ màu vàng gọi là mũi taro vàng, nếu đem đi phủ TiCrN hoặc TiAlN nó sẽ có màu tím than.

5. Vai trò của mũi taro trong gia công

Các kết nối bằng ren luôn là một phần quan trọng trong các kết cấu máy và thiết bị, chúng không thể thiếu được khi cần liên kết các chi tiết với nhau mà có thể tháo lắp về sau nhằm cho mục đích sửa chữa, thay thế. Bởi vậy nên taro ren cũng là một trong những nguyên công được sử dụng thường xuyên trong quá trình gia công cơ khí. Taro ren được ứng dụng hầu như trong tất cả các ngành sản xuất, công nghiệp từ những thiết bị gia dụng, đồ dùng cá nhân cho đến xe máy, ô tô, tàu thủy, xây dựng, hàng không, vũ trụ…

So với việc sử dụng dao phay ren hay các phương pháp tạo ren khác thì sử dụng mũi taro là cách tạo ren đơn giản và nhanh chóng nhất. Việc thiết lập dụng cụ và chế độ cắt cũng không phức tạp như các phương pháp khác. Các loại mũi dao taro và thông số mũi taro cũng rất đa dạng để đáp ứng cho nhiều yêu cầu tạo ren trong và ren ngoài cho người sử dụng. Bởi vậy mũi taro là một trong những dụng cụ cắt được sử dụng phổ biến nhất hiện nay trong các xưởng gia công cơ khí.

6. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình taro

Độ chính xác, chất lượng của ren và tuổi thọ của mũi taro có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố sau trong quá trình taro.

6.1 Vật liệu gia công

Đối với các vật liệu gia công khác nhau thì sẽ cần các loại taro khác nhau phù hợp với từng loại vật liệu. Một số loại dao taro chỉ phù hợp với một số loại vật liệu nhất định, chẳng hạn mũi taro nén chỉ phù hợp với các vật liệu có độ cứng thấp, chẳng hạn như nhôm.

6.2 Chất lượng mũi dao taro

Sử dụng các mũi taro đủ chất lượng sẽ mang đến chất lượng bề mặt ren tốt hơn và đảm bảo được độ chính xác của ren, đồng thời cũng giúp duy trì tuổi thọ cho dụng cụ cắt, hạn chế gãy mũi taro trong quá trình gia công ren.

6.3 Phương pháp taro ren

Taro ren bằng máy hoặc bằng tay sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng ren và thời gian gia công. Về cơ bản tùy thuộc vào điều kiện thực tế của xưởng và sản phẩm gia công mà lựa chọn taro bằng tay hoặc máy cho phù hợp.

6.4 Chế độ cắt khi taro ren

Lựa chọn chế độ cắt phù hợp sẽ đảm bảo chất lượng ren và tuổi thọ cho dụng cụ cắt, cũng như hạn chế được các sự cố có thể xảy ra khi taro ren.

6.5 Chất lượng lỗ khoan trước khi taro

Quá trình taro bị ảnh hưởng khá nhiều từ độ chính xác của lỗ khoan trước khi taro, độ thẳng, bề mặt lỗ khoan và kích thước lỗ khoan sẽ tác động trực tiếp tới quá trình taro ren.

7. Những lưu ý khi taro ren

Khi thực hiện nguyên công taro ren, cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Lựa chọn loại dao taro phù hợp với kiểu ren và kiểu lỗ ren, cũng như vật liệu phôi.
  • Điều chỉnh tính toán chế độ taro phù hợp.
  • Sử dụng dầu bôi trơn và dầu làm mát phù hợp khi taro.
  • Đảm bảo chất lượng của lỗ khoan trước khi taro.
  • Sử dụng loại đầu kẹp mũi taro chất lượng.

8. Mũi taro ren OSG Nhật Bản chính hãng chất lượng cao

Công ty Tinh Hà chúng tôi là đại lý ủy quyền của hãng OSG Nhật Bản, chuyên cung cấp các dòng dao taro chính hãng OSG. Đáp ứng đa dạng các tiêu chuẩn ren hiện nay. Ngoài đa dạng về số lượng, mẫu mã, tiêu chuẩn, kích thước thì các mũi taro ren của OSG còn nổi bật với độ cứng vững cao, độ sắc nét, thoát phoi tốt, chống rung và chống gãy hiệu quả.

Để tìm được loại mũi taro phù hợp nhất với yêu cầu gia công của các bạn. Hãy liên hệ ngay với công ty Tinh Hà chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ. Thông tin liên hệ các bạn có thể xem ngay trên website tinhha.com.vn này. Để xem các loại mũi taro OSG mà công ty Tinh Hà chúng tôi là đại lý ủy quyền, vui lòng bấm xem tại đây.